"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Samstag, 11. September 2010

Chuyện phong thủy và đầu cơ đất ở Hà Nội

Có không ít người tin vào thần núi Tản Viên và sức mạnh tâm linh của đỉnh Ba Vì

BBC

Báo Anh kể lại các cú buôn bán đất không thành nhân dự án 'đường tâm linh' trong quy hoạch Hà Nội về hướng núi Ba Vì trong lúc trí thức Việt Nam giải thích rắc rối của câu chuyện phong thủy.

Nhà báo Matt Steinglass trên trang web Financial Times của Anh hôm 2/9 có bài nhắc tới cơn sốt đất từ khi có các tin đồn về dự án chuyển trung tâm hành chính Hà Nội lên Ba Vì.

Không chỉ trích lời một số đại biểu Quốc hội Việt Nam phản đối chuyện này vì "dự án sẽ vi phạm phong thủy" của vùng núi thiêng, bài báo còn dẫn lời bà Trần Thị Thanh Vân, kiến trúc sư không đồng ý với dự án.

Theo lời bà được diễn dịch trong bản tiếng Anh nói việc đặt thủ đô Hà Nội, "bộ óc" của Việt Nam vào vùng Ba Vì là nơi nghỉ mát sẽ khiến cho đầu óc của đất nước "chậm lại".

Hôm 19/8, chính quyền thành phố đã thông báo với trung ương về việc hoãn lại dự án.

Nay, họ nhắm vào khu vực phía Tây của Hồ Tây là Từ Liêm và Mỹ Đình, khiến cho nhiều người làm ăn đổ tiền vào mua đất dọc tuyến lên Ba Vì bị thua đậm, theo bài trên báo Anh.

"Đề xuất dời thủ đô Hà Nội về vùng núi Ba Vì là sai lầm cả trên phương diện lịch sử, văn hóa, lẫn kinh tế, quân sự " TS Nguyễn Xuân Diện

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, người từng lên tiếng không đồng ý với dự án cho BBC hay hôm 7/9 rằng ông đã nêu ý kiến như vậy tại cơ quan Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội hồi giữa năm.

Trong không khí sắp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, ông Nguyễn Xuân Diện, một nhà nghiên cứu văn hóa nói rằng việc 'dời đô lên Ba Vì' là không hợp lý và trái với viễn kiến nghìn năm của Vua Lý Công Uẩn.

Ông nói:
"Trong khi chúng ta đang kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, với sự tôn vinh đối với nhà vua Lý Công Uẩn đã chọn được kinh đô Thăng Long có thế phong thủy đẹp như vậy, thay vì chúng ta phải khẳng định tầm nhìn của Lý Công Uẩn thì gần như lại chọn một cuộc dời đô về chân núi Ba Vì."

Xác nhận điều nhiều người ở Việt Nam tin rằng Ba Vì hay Tản Viên là ngọn núi thiêng của Việt Nam, ông Diện giải thích việc xây cất trung tâm hành chính tại vùng văn hóa đặc thù này là không hay.

Phong thủy hay tiền bạc?

Ông Diện cũng đặt câu hỏi rằng phải chăng việc gọi Trục Tâm linh - trục đường suốt dọc 30 km nối Hồ Tây và núi Ba Vì - chính là việc làm lợi dụng những vấn đề về văn hóa tâm linh để khiến cho đất đai dọc Trục Tâm linh sôi lên ùng ục?

"Việc này dẫn đến những hệ lụy của nó như người dân đang lao đao vì cơn sốt đất. Thị trường bất động sản biến động một cách không thể lường trước được, và đến nay vẫn còn đang ở tình trạng không kiểm soát được."

Trước câu hỏi vì sao nhiều đề xuất quy hoạch đô thị của thành phố Hà Nội gặp sự phản biện, thậm chí phản đối của dư luận, ông Nguyễn Xuân Diện cho rằng:


"Có thể những quyết sách đó, những đường hướng đó, những quyết định đó không được nghiên cứu một cách kỹ càng, và không được tham khảo với những nhà chuyên môn."

Theo ông, học từ bài học của Lý Công Uẩn ban Chiếu Dời Đô, quyết sách của thành phố Hà Nội, quyết sách của chính phủ trong chuyện quy hoạch Hà Nội trước hết phải đại diện cho ý chí của nhân dân và giới trí thức:

"Khi những quyết sách đó thể hiện ý chí của các nhà khoa học thuộc các ngành khác nhau, thể hiện được ý chí của người dân thì không có việc gì không thành công."

Còn nhà báo Matt Steinglass trong bài viết của mình đã ghi nhận sự chua cay của một số người đầu tư vào đất đai ở Ba Vì.

Kết luận lại, bài báo cho rằng từ ví dụ của một nhà đầu tư thì để không thua lỗ trong cuộc buôn đất đai tại Hà Nội vào thời buổi này, người ta phải biết chơi trò phủi tay khi cần.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/2010/09/100907_hanoi_spirituality_game.shtml